Nick Vujicic – cơ hội cho người khuyết tật tại Việt Nam?

Trong sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam, có một số người đặt câu hỏi thay cho người khuyết tật Việt Nam rằng: “Ở Việt Nam cũng có rất nhiều người chiến thắng số phận, thậm chí kỳ công hơn cả Nick, sao không được nói đến như Nick?” Thậm chí có người còn nghĩ, nếu Nick ở Việt Nam, chưa chắc anh gặt hái được thành quả rực rỡ như vậy vì người khuyết tật Việt Nam chỉ việc mưu sinh thôi là đã “long đong, lận đận” gấp nhiều lần Nick rồi.

Không thể phủ nhận rằng, cái nhìn về người khuyết tật ở Việt Nam chưa được nhân văn cho lắm. Đã từ lâu, tại các quốc gia phát triển, người ta không còn dùng từ “handicapped” – tức “người tật nguyền” nữa, mà họ dùng từ “disabled” – tức “người không thực hiện được một số khả năng”. Với cái nhìn như vậy, người ta đào sâu hơn vào những giá trị bên trong của một con người chứ không chỉ nhìn vào sự nguyên vẹn hay khiếm khuyết về thể chất bên ngoài. Do đó, cơ hội được nhìn nhận, được đánh giá cao của người khuyết tật ở những nước phát triển tốt hơn ở nước ta nhiều. Từ khác biệt về nhận thức như vậy dẫn đến việc các điều kiện sống của người khuyết tật ở các nước ấy thuận lợi hơn, nhất là khi họ đến những nơi công cộng, sử dụng các phương tiện công cộng; hay trong học tập, sinh hoạt và vui chơi, họ được tham gia chung với những người bình thường khác. Chính điều đó đã giúp nuôi dưỡng trong họ lòng tự trọng – phẩm giá quan trọng nhất để con người có thể tự tin và bản lĩnh trong cuộc đời.

Ở Việt Nam, khi một người khuyết tật nhận được sự giúp đỡ từ người khác hoặc từ xã hội, họ được xem như “nhận ơn” hoặc “được ban ơn”. Đây chính là cách mài mòn lòng tự trọng nhanh nhất. Cho dù họ làm việc và nhận thù lao xứng đáng với công việc của mình, cho dù khi họ nhận món quà từ thiện thì chính người làm từ thiện cũng có được niềm vui và bình an nội tâm rồi, nhưng họ luôn thấy mình ở thế cần người khác, ít cảm thấy giá trị từ cuộc đời của mình. Và theo tôi, đây là lý do chính khiến nhiều người khuyết tật ở Việt Nam nỗ lực, trụ vững, đóng góp được nhiều điều cho cuộc sống, cho xã hội nhưng vẫn không đủ sức mạnh nội tâm, ý thức giá trị bản thân và tự tin về mục đích sống để có thể đi chia sẻ hay trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người khác.

Để thành công được như Nick Vujicic, anh và nhóm cộng sự của mình đã phải trải qua một quá trình rèn luyện và xây dựng nghiêm túc của một diễn giả chuyên nghiệp theo những bước sau đây:

Chọn lọc câu chuyện cuộc đời

Đầu tiên, Nick phải có kỹ năng chọn lọc những câu chuyện trong cuộc đời mình nhằm phục vụ cho mục tiêu của từng bài diễn thuyết cụ thể, hướng tới việc mang lại giá trị cho người nghe. Các thông điệp mà anh truyền tải không mới, như: không bao giờ bỏ cuộc, sống cho điều ý nghĩa hơn, đừng bao giờ từ bỏ khát vọng…, nhưng chính những câu chuyện cá nhân, những thành tựu, những trải nghiệm và những cảm xúc thật trong anh mới đủ sức làm cho những thông điệp đó sống động, có sức mạnh lay động lòng người, và khiến cho người ta muốn sống với những thông điệp đó. Và rõ ràng, chỉ khi hành động mới tạo ra được kết quả mà thôi. Nhiều người sống một cuộc đời xứng đáng là tấm gương cho người khác, nhưng ngay từ bước khởi đầu, họ đã không biết đẽo gọt câu chuyện cuộc đời mình, chắt lọt những tình huống mang sức đánh động và lựa chọn những câu chuyện tinh túy, phù hợp.

nick vujicic 01

Rèn luyện khả năng kể chuyện

Bước hai, khả năng kể chuyện và trình bày của Nick có thể đạt điểm 8/10 với sự hóm hỉnh, linh hoạt và tương tác rất tốt với người nghe trong lúc diễn thuyết. Nhưng cũng phải nói thật rằng, Nick cũng chỉ có một vài “bài tủ” được chuẩn bị sẵn từ câu chuyện, cách tương tác cho đến những tình huống hài hước, và đó là quá trình đầu tư nghiêm túc của một diễn giả chuyên nghiệp. Để có được kỹ năng nói như Nick, rõ ràng anh đã phải rèn luyện qua hàng trăm, hàng ngàn cuộc nói chuyện chứ không phải bỗng dưng mà anh trình bày tốt như vậy.

Truyền thông thương hiệu cá nhân

Bước ba, có thể cuộc đời bạn thú vị, những câu chuyện của bạn rất hay, kỹ năng chia sẻ của bạn tuyệt đỉnh, nhưng bạn khó lòng để “hữu xạ tự nhiên hương” được. Không ai biết đến bạn thì làm sao họ có thể nghe được những thông điệp từ bạn để rồi được truyền cảm hứng? Khả năng truyền thông, lan tỏa ra cộng đồng và xây dựng hình ảnh của Nick Vujicic cùng với nhóm cộng sự của anh rất xuất sắc. Con đường thông thường của nhiều diễn giả lựa chọn đó là viết sách và đẩy nó trở thành “best seller” để nổi tiếng rồi mới bắt đầu đi diễn thuyết. Còn Nick, anh xây dựng hình ảnh và thương hiệu bản thân trước qua việc đi chia sẻ về cuộc đời đầy cảm hứng của mình, tạo được cộng đồng đông đảo trên Internet rồi mới viết sách. Trong nghề diễn thuyết, kỹ năng tự quảng bá bản thân là phần quan trọng nhất trong toàn bộ công cụ tiếp thị, và Nick đã làm rất tốt điều này.

Sử dụng sức mạnh của Internet (Youtube)

Bước bốn, cách mà Nick và nhóm cộng sự dùng Internet để lan tỏa những video clip mà Nick nói chuyện với nhóm đối tượng học sinh đã ngay lập tức gây tiếng vang vì tạo được cảm xúc, lấy được nước mắt của người xem. Những video clip đó được dàn dựng rất tốt khi lồng vào đó những đoạn nhạc, những hình ảnh thú vị của Nick, giúp cho thông điệp của Nick len lỏi sâu hơn vào trái tim của người xem. Đó chính là những yếu tố giúp cho video clip này lan tỏa khá nhanh. Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi biết về Nick là thông qua một bài viết trên báo Tuổi Trẻ, trong đó có đề cập đến đoạn video clip nổi tiếng này. Sau đó, kênh Internet được tiếp tục khai thác để chia sẻ thêm nhiều video clip thú vị khác của Nick khiến cho tên tuổi Nick ngày càng nổi như cồn.

Liên tục làm mới câu chuyện

Bước năm, Nick rất biết làm mới mình và hướng đến mục tiêu sự nghiệp rất rõ ràng. Anh không chỉ dừng lại ở việc thực hiện những công việc và thao tác trong đời sống hằng ngày như một người bình thường, mà anh còn không ngừng rèn luyện các môn thể thao khác như chơi bóng, bơi lội, lướt ván, nhảy cầu, đánh golf… và sau này là chơi nhạc, đánh bàn phím, thậm chí anh “khoe” mình đánh máy được 43 chữ/phút. Dần dần, Nick còn sáng tác âm nhạc, hát hò và đóng phim (bộ phim ngắn Rạp xiếc con bướm). Rõ ràng, anh không làm cho khán giả của mình nhàm chán và những thành tựu này của anh đều lần lượt được ghi hình và phát tán trên Internet. Quá trình làm mới thương hiệu của Nick khiến cho người ta phải chờ đợi anh như thể nơi anh là một nguồn của những điều kỳ diệu.

nick vujicic

Đội ngũ hỗ trợ đắc lực

Bước 6, tôi khẳng định tất cả mọi việc Nick thực hiện đều không phải một mình, anh cần một nhóm người hỗ trợ trong nhiều khâu, từ việc tổ chức một cuộc diễn thuyết đến xuất bản một cuốn sách, đến thực hiện một video clip, lên chiến lược và triển khai các công tác truyền thông, hay liên hệ và làm việc với những tổ chức mời Nick đến… Có thể nói anh có cả một nhóm cộng sự làm việc hiệu quả và phối hợp rất tốt mới tạo ra được những thành quả tuyệt vời như vậy. Không ai có thể thành công một mình, đặc biệt lại là một người khuyết tật như anh, nhưng các tổ chức trong lĩnh vực Huấn luyện – Đào tạo – Diễn thuyết hay Kinh doanh tri thức thì thương hiệu cá nhân luôn được đề cao, nhưng thành quả là của tập thể.

Với lần lượt các bước đi như trên, cộng với câu chuyện thật sự “có chất” của bản thân Nick và sự tự tin mà anh khai phá được từ bên trong của mình, Nick trở thành một diễn giả khuyết tật nổi danh trên thế giới. Tuy nhiên, anh không phải là người duy nhất. Tôi xin liệt kê ra đây khá nhiều diễn giả truyền cảm hứng khuyết tật khác với nhiều dạng khiếm khuyết khác nhau và có xuất thân không giống nhau như: có người khiếm khuyết từ bé do bẩm sinh, có người do tai nạn, có người là vận động viên thể thao khuyết tật, có người là doanh nhân… nhưng tựu trung lại, họ chọn cho mình cơ hội trong Nghề diễn thuyết truyền cảm hứng và biết biến bất lợi của mình thành điểm mạnh mà những diễn giả nguyên vẹn không có được. Trong ngành này, trí tuệ, bộ óc và câu chuyện của bạn mới tạo ra giá trị quyết định.

  • John Foppe (khuyết hai tay)
  • W Mitchell (ngồi xe lăn và bị phỏng nặng)
  • Randy Snow (ngồi xe lăn)
  • Sean Stephenson (khuyết tay chân)
  • Jessica Cox (khuyết hai tay)
  • Jim Stovall (khiếm thị)
  • Kyle Maynard (khuyết tay chân)
  • Toni Christiansen (khuyết hai chân)
  • Mike Schlappi (ngồi xe lăn)
  • Erik Weihenmayer (khiếm thị)
  • Christopher Reeve (cựu diễn viên điện ảnh thủ vai Superman, sau tai nạn bị liệt toàn thân, ông đi diễn thuyết chia sẻ và viết sách; ông qua đời năm 2004)

Tôi tin rằng, qua sự kiện Nick gây tiếng vang lớn tại Việt Nam, những người khuyết tật chiến thắng số phận ở Việt Nam sẽ biết tìm thấy cho mình một cơ hội mới trong một công việc, trong một ngành nghề thú vị là Nghề diễn thuyết truyền cảm hứng và tự tin rằng mình có thể làm được, đồng thời, biết tìm đến những chuyên gia trong nghề này hướng dẫn cách thực hiện để có thể làm đúng ngay từ đầu.

Với tư cách là một diễn giả chuyên nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, tôi rất mong muốn được đứng cùng bục diễn thuyết với những đồng nghiệp khuyết tật nhưng đầy mạnh mẽ trong một tương lai không xa, và không những tại Việt Nam mà còn có thể tại những quốc gia khác. Vì điều cuối cùng mà những người làm công việc này khao khát đó là chia sẻ và để lại di sản từ những câu chuyện cuộc đời mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *